Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

LÊ HỘI LỒNG TỒNG Ở HUYỆN BẮC SƠN, TỈNH LẠNG SƠN



Lễ hội Lồng Tồng  thường gọi là Hội xuống đồng, là một lễ hội của dân tộc Tày, cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc Tày, Nùng. Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống no đủ…Lễ hội Lồng Tồng vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa là nghi lễ mở màn cho một mùa làm ăn mới. Trong lịch sử Việt Nam, từ xa xưa, lễ hội này đã phát triển nhiều nơi đặc biệt ở các tỉnh miền núi Đông Bắc trong đó có vùng đất Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn – một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng thời kháng chiến chống Pháp.
Bắc Sơn được xác định là một trong những cái nôi  văn hóa của dân tộc Việt Nqm với nền "Văn hóa Bắc Sơn ", nơi được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp Tỉnh như đình Nông Lục, Đồn Mỏ Nhài, Đèo Tam Canh… Đặc biệt hơn nữa, hàng năm khi Tết đến xuân về, hoa đào khoe sắc hồng phai, hòa cùng không khí lễ hội trên khắp đất nước tại xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn diễn ra lễ hội Lồng Tồng, một lễ hội mang đậm chất dân gian, giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày Nùng xứ Lạng.

Hoa đòa khoe sắc khi mùa xuân về trên bản

1.Lịch sử, nguồn gốc.
Truyện kể rằng, ở đời nhà Lý Ông Dương Tự Minh người dân dộc Tày làng Quan Triều, tỉnh Thái Nguyên, là thủ lĩnh của Phủ Phú Lương có công trong cuộc chinh chiến chống quân xâm lược nhà Tống, giữ vững vùng biên cương phía Bắc của nước Đại Việt đầu thế kỷ thứ XII. Sau khi dẹp giặc xong, núi rừng bình an, cùng với việc xây dựng vùng đất phồn thịnh ông Dương Tự Minh luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc nghèo khó. Cuối đời ông trở về Điểm Sơn (nay là núi Đuổm) và mất ở đó.  Ông được nhà Lý phong sắc “Uy viễn đôn kính cao sơn quảng độ chi thần”, các đời sau đều ghi nhận ông là Cao Sơn Quý Minh. Khi được biết tin ông mất, để tưởng nhớ công đức của Dương Tự Minh người dân tổng Quỳnh Sơn đã lập đền thờ tại Đẳng Rử Thôn bên sườn núi đá nước nguồn, phía sau có giếng tiên thuộc Quỳnh Sơn. Trải qua nhiều năm phát triển dân số Quỳnh Sơn ngày càng đông địa điểm chật hẹp, dân làng đã cùng nhau chuyển Đền đến một địa điểm mới cách địa điểm cũ 400m về phía Đông giữa thôn Đon Riệc I và Đon Riệc II. Đây là nơi để nhân dân thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh hướng nguyện cầu sự giúp đỡ của thánh thần nhằm có cuộc sống ấm no hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đình chùa Quỳnh Sơn được xây dựng từ thời nhà Lý cùng với đó lễ hội được hình thành và duy trì đến năm 1958, sau đó bị mai một. Đến năm 2005 được khôi phục và lưu giữ đến ngày nay.
2. Nghi thức lễ hội
2.1. Chuẩn bị cho lễ hội:
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Đồng thời, mỗi gia đình làm một mâm cỗ theo khả năng mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng... Trên mỗi mâm cỗ đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm đôi quả còn  được làm bằng vải màu, bên ngoài có tua rua nhiều mầu sắc sặc sỡ, bên trong nhồi cát và bông.
2.2. Phần lễ:
Phần nghi lễ cúng tế trời đất và các thần linh do thầy mo thực hiện. Sau khi đã chuẩn bị xong lễ vật, hai ông chủ tế, 8 ông quan lễ tiến tước và các thầy mo, thầy pháp sư làm thủ tục đuổi ma trừ tà, đồng thời tâu sớ lên thiên đình, vua cha phật tổ như lai, quan âm bồ tát, thần linh các phương, mời các vị thánh thần trên thiên đình xuống với dân làng mở hội cầu mùa. Sau đó 2 ông chủ hội và 8 quan lễ tiến tước sẽ vào vị trí để chuẩn bị cho các phần nghi lễ khác nhau. Sau khi đã trải qua nghi lễ cúng đức vua và lễ cúng thổ công, sẽ chuyển sang 2 nghi lễ quan trọng là lễ khoán an và lễ nghinh thần.
Một hình ảnh trong phần lễ hội

Mở đầu Lễ khoán an, 2 ông chủ hội sẽ vào đình cúng và xin âm dương.  Sau khi xin được âm dương, một người có chức quyền cao trong xã hoặc một người cao tuổi có uy tín nhất trong xã sẽ đọc những lời viết trên giấy đỏ. Khi đọc xong người đọc sẽ dâng tờ giấy lên đức vua, người đọc lời ăn thề vào trong đình lấy tờ giấy đỏ ra đốt hóa cùng với mâm vàng tuyên bố kết thúc lễ khoán an. Đến phần lễ nghinh thần, nội dung qui trình của lễ được thực hiện theo khẩu hiệu hô của hai thông sứ (đông sứ, tây sứ), bên tả hô, bên hữu đáp lại…Nghi thức tế của lễ hội vẫn nghiêm cẩn như xưa. Sau khi nghi lễ cúng tế hoàn tất thì người ta khiêng kiệu, rước thần linh ra xứ đồng Nà Tấn. Ra đến cách đồng, sau khi cúng xong tuần tế yên vị, tiếp tục làm lễ cúng Thần Nông (cúng hạ điền) cầu xin phù hộ cho bà con trong năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều thuận lợi, mùa màng bội thu. Đến phần nghi lễ cày hạ điền sẽ được bắt đầu thì những người đại diện cho các thôn sẽ xuống đồng cày những đường cày đầu năm, mà dân gian gọi là đường cày xông đất, mở đầu cho một mùa làm ăn mới sản xuất thuận lợi. Đến chiều ngày 13 tháng giêng, người ta làm nghi lễ rước kiệu, rước thần linh hồi cung về đình làng và lễ tế tại đình..
Người dân khiêng kiệu, rước thần linh ra đồng
2.3. Phần hội:
Trong hai ngày 12, 13 tháng giêng, sau phần lễ sẽ là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: múa rối, múa tiên, đánh cờ người. Riêng với trò đánh cờ tướng lại đòi hỏi người chơi phải có trí tuệ sắc sảo, minh mẫn, tài quan sát bao quát, kiên định với suy tính của mình để đưa ra được những nước cờ mà đối phương khó gỡ. Trong khi đó các đội hát Sli, hát then làm cho không khí lễ hội đậm sắc màu dân tộc. Bên cạnh đó các trò chơi thể thao đấu vật, đánh bóng truyền thêm phần hấp dẫn, lôi cuốn người xem hội. Có thể nói, mỗi trò chơi đều có nét hấp dẫn riêng.
Khi đêm về, các nam thanh nữ tú lại thi hát sli, hát lượn cũng như để bày tỏ tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước.
Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức trên một cánh đồng có diện tích lớn. Hàng ngàn người dân sẽ tới tham dự.  Điều đặc sắc của lễ hội là hầu như tất cả các gia đình trong thôn, trong xã đều làm cỗ đến cúng thần và mời mọi người cùng ăn. Giống như nhiều lễ hội đặc sắc khác trên quê hương Xứ Lạng, đến với lễ hội xã Quỳnh Sơn, người dự hội sẽ có dịp được thưởng thức món đặc sản lợn quay lá mác mật. Trong ẩm thực lễ hội không thể không kể đến bánh chưng đen, một loại bánh được làm từ gạo nếp ngâm tro của rơm nếp vì thế khi thưởng thức ta sẽ cảm nhận hương vị riêng có của quê hương Bắc Sơn.
3. Ý nghĩa
Việc tổ chức lễ hội lồng tồng nhằm tôn thờ và thể hiện lòng biết ơn người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh đã có công chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước, thể hiện truyền thống đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”. Nhưng ý nghĩa sâu xa hơn có thể thấy, lễ hội Lồng Tồng là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đậm chất nhân văn, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hòa hợp trời đất, âm dương, cầu mong cho cuộc sống khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi, đồng thời thể hiện nét đẹp tâm hồn người dân tộc miền núi luôn gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hóa lâu đời. Lễ hội Lồng Tồng đã trở thành một điểm nhấn về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày trên địa bàn xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn nói riêng và đồng bào các dân tộc Lạng Sơn nói chunggóp phần làm phong phú kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

                             Nguồn bài viết: Hoàng Lại Sơn và Hoàng Quyết (sưu tầm)



1 nhận xét:

Chúng tôi sẽ sớm phản hồi thông tin cho bạn. Xin chân thành cảm ơn!